Việt Nam – Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp

Ngày 7/3/2016, tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai Len phối hợp với Bộ Lao động – TBXH tổ chức Hội nghị cấp cao nhằm thảo luận về “Phát triển giáo dục và kỹ năng để nắm bắt các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Huân tước David Puttnam, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại và Văn hóa tại Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Phạm Thị Hải Chuyền; Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Doãn Mậu Diệp; về phía Tổng cục dạy nghề có TS. Nguyễn Hồng Minh- Phó Tổng Cục trưởng, đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Lao động – TBXH cùng các chuyên gia và tư vấn từ Pricewaterhouse Coopers – Anh; các nhà hoạch định chính sách của các Bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao, các cơ sở giáo dục và dạy nghề.

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế thông qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Việt Nam-EU. Khi có được các kỹ năng phù hợp, Việt Nam sẽ là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư.
Với việc coi đổi mới giáo dục và dạy nghề là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, việc cải tiến chất lượng lao động sẽ là mấu chốt để tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu thực tế: “Việt Nam mới vừa thoát khỏi tình trạng là một nước nghèo nhưng vẫn còn nhiều nơi rất nghèo. Trong khi, nhiều nước cách đây mấy chục năm còn nghèo hơn Việt Nam thì bây giờ đã giàu hơn. Điều đó có nghĩa là lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chính vì lý do đó, từ 2 năm nay, Việt Nam thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục, đào tạo, trong đó đào tạo nghề, là một phần rất quan trọng”.
Phó Thủ tướng nêu lên một vài số liệu thống kê rất đáng suy nghĩ về đào tạo nghề ở Việt Nam khi mới có 53% lao động được đào tạo nhưng chỉ hơn 20% có thời gian đào tạo trên 3 tháng, còn lại là dưới 3 tháng. “Số lượng thì như vậy nhưng trong cơ cấu cũng có vấn đề. Cụ thể năm 2015 có trên 400.000 sinh viên nhập  học tại 234 trường đại học nhưng chỉ có trên 130.000 người vào học tại 385 trường cao đẳng”.

Dẫn số liệu từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá chất lượng lao động Việt Nam sau đào tạo chỉ đạt hơn 3 điểm/10 điểm (trong khi một số nước châu Á như Hàn Quốc là trên 6,5 điểm, Thái Lan  khoảng 5 điểm), Phó Thủ tướng cho biết thêm có thống kê khác chia lao động thành 3 tầng thì kết quả có tới 80% lao động gián tiếp, quản lý ở trong các DN chưa đạt yêu cầu, thiếu kỹ năng; 60% lao động kỹ thuật thiếu các kỹ năng cần thiết; 20% lao động giản đơn không đáp ứng được yêu cầu kỹ năng lao động cơ bản.
Để từng bước thay đổi thực trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết mà không đơn thuần là phương pháp dạy, phương pháp học, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị… Từ chính sách sử dụng, đãi ngộ lao động cho đến chính sách thu hút đầu tư vào giáo dục và đặc biệt là trong lĩnh vực dạy nghề cũng như mối quan hệ giữa người đào tạo và người sử dụng lao động…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về các xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề và các thách thức mà Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác sẽ phải đối mặt. Các đại biểu tham dự cũng sẽ thảo luận về cách thức Việt Nam có thể nắm bắt các cơ hội để tiếp tục phát triển thành công đến năm 2020 và xa hơn nữa