Hợp tác với Trung tâm Quốc gia Y tế toàn cầu – Bộ y tế, lao động, phúc lợi xã hội Nhật Bản.

Tiếp tục thực hiện chương trình về hợp tác giữa Trường Cao đẳng Kỹ thuật Trang thiết bị Y tế – Bộ Y tế và Trung tâm quốc gia Y tế toàn cầu (NCGM) – Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Hôm nay, ngày 13 tháng 6 năm 2019, Phái đoàn đại biểu NCGM đã đến thăm và làm việc với Nhà trường. Đây là lần thứ 3, phái đoàn NCGM đến thăm và làm việc với trường trong năm vừa qua.

Về phía NCGM gồm:

  1. BS Nagai Mari – Phó Ban phát triển hợp tác, Vụ Hợp tác quốc tế, NCGM
  2. ĐD Doi Masahiko – Trợ lý Giám đốc cao cấp, Ban phát triển nhân lực, Vụ Hợp tác quốc tế, NCGM
  3. BS Hosaka Shigeru – Trưởng khoa, phòng Trang thiết bị vật tư y tế, Bệnh viện trung tâm, NCGM
  4. Kỹ sư Ogawa Tatsunori – kỹ sư trưởng, phòng Trang thiết bị vật tư y tế, Bệnh viện trung tâm, NCGM
  5. Kỹ sư Kawakami Yuiko – phòng Trang thiết bị vật tư y tế, Bệnh viện trung tâm, NCGM
  6. Kỹ sư Kawasaki Yoshitaka – Bệnh viện Đại học Teikyo
  7. Ds. Matsubara Chieko – Trợ lý giám đốc cao cấp, ban phát triển hợp tác, Vụ Hợp tác quốc tế, NCGM

Cùng các chuyên viên vụ Hợp tác quốc tế, NCGM

Đón tiếp đoàn, về phía nhà trường gồm:

  1. Ths Nguyễn Hữu Tư – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
  2. TS. Nguyễn Hải Hà – Phó bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng
  3. TS. Nguyễn Thị Lụa – Phó Hiệu trưởng

Cùng các đồng chí là Trưởng các Phòng, Khoa, Trung tâm của nhà trường.

Tại buổi làm việc, Thày Nguyễn Hữu Tư đánh giá cao sự tích cực hợp tác của NCGM trong thời gian vừa qua, đồng thời cảm ơn sự chu đáo của NCGM trong chuẩn bị nội dung làm việc lần này. Thày Nguyễn Hữu Tư đã giới thiệu với thành viên đoàn sơ lược về lịch sử xây dựng và phát triển của nhà trường trong 46 năm kể từ khi thành lập, những thành tích nhà trường đã đạt được, cũng như các nhiệm vụ được Bộ Y tế giao, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị máy móc phục vụ đào tạo, đội ngũ nhà giáo hiện nay của Trường. Đồng thời cũng giới thiệu với đoàn về định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới, đặc biệt là trú trọng đến công tác đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Thay mặt đoàn làm việc của NCGM, Ts. Bs. Hosaka đã giới thiệu về công tác đánh giá chức năng bệnh viện tại Nhật Bản, Lịch sử hình thành hệ thống Kỹ sư lâm sàng, đồng thời giới thiệu Tại liệu hướng dẫn đào tạo kỹ sư lâm sàng, các chương trình đào tạo Kỹ sư lâm sàng hệ 1 năm, 3 năm và 4 năm tại Nhật Bản.

Theo đó, Nhật Bản có Luật Kỹ sư lâm sàng từ năm 1987, Trong đó Kỹ sư lâm sàng là người được Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi xã hội cấp chứng chỉ hành nghề, thao tác và thực hiện công việc kiểm tra, bảo trì thiết bị quản lý, duy trì tính mạng con người dưới chỉ định của bác sỹ. “Thiết bị quản lý, duy trì tính mạng con người” là thiết bị có mục đích thay thế hoặc hỗ trợ một phần chức năng hô hấp, tuần hoàn hoặc chuyển hóa của con người. Ngoài ra bao gồm cả những nội dung công việc được quy định bởi quy định pháp luật về Kỹ sư lâm sàng.

Tại Nhật Bản, mô hình Kỹ sư lâm sàng đang phát huy hiệu quả rất tích cực, cùng với sự tiến bộ của y học, công việc của kỹ sư lâm sàng cũng ngày càng đa dạng, từ quan điểm cung cấp dịch vụ y tế an toàn, Hội kỹ sư lâm sàng đưa ra quy định “Kỹ sư lâm sàng chuyên khoa” theo hệ thống chứng chỉ cho 5 lĩnh vực:

  • Lọc máu
  • Điều trị loạn nhịp
  • Điều trị hô hấp
  • Điều trị ôxy cao áp
  • Liên quan đến phẫu thuật

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi chuyên sâu về các thông tin liên quan đến đào tạo kỹ sư lâm sàng như đầu vào, đầu ra, nội dung các môn học, vấn đề thực tập, kỹ năng đầu ra, vấn đề đào tạo tại doanh nghiệp. Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác, trao đổi thông tin chặt chẽ trong công tác đào tạo nhân lực lĩnh vực trang thiết bị y tế.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

NCGM tặng quà lưu niệm cho nhà trường